Tin tức

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 2 phương án cho 3 Luật mới của bất động sản có hiệu lực sớm

08/06/2024

Ngày 4/6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023… 

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 là những luật có nội dung mang tính đột phá, quan trọng; nhiều quy định có thể tổ chức thực hiện được ngay mà không chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 2 phương án cho 3 Luật mới của bất động sản có hiệu lực sớm

Vì vậy, việc xây dựng Luật để cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm (từ ngày 01 tháng 8 năm 2024) là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản; tạo điều kiện thuận lợi giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội kịp thời, hiệu quả, an toàn và bền vững; qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách nhà ở của Đảng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, qua rà soát, trong trường hợp Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ 01/8/2024, các quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản tại Luật các tổ chức tín dụng cũng cần phải được điều chỉnh hiệu lực về cùng thời điểm này để đảm bảo bảo tính đồng bộ, khả thi, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Luật.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phân tích rõ những lợi ích, khó khăn, thách thức (nếu có) khi các Luật được đề xuất có hiệu lực sớm từ 01/8/2024; qua đó thể hiện sự cần thiết phải để các Luật này có hiệu lực sớm cùng với nhau.

Nhất trí với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ những quyền, lợi ích nào của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng khi các Luật này có hiệu lực sớm; đồng thời đánh giá thêm tác động, ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án được đề xuất.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể về một số nội dung như: tiến độ, chất lượng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật của các bộ, ngành, địa phương; các điều kiện, nguồn lực bảo đảm khả năng triển khai thi hành sớm;…

Để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của các điều khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 2023, tại Điều 5 dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 02 phương án như sau:

Phương án 1: Rà soát, quy định cụ thể các điều, khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, trường hợp có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khi Luật có hiệu lực sớm thì quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Các trường hợp còn lại vẫn có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

Phương án 2: Cho phép các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các điều khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 2023 được lựa chọn hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2025 hoặc từ ngày 01/8/2024 để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chịu tác động trực tiếp của các điều khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo CafeF

Thanh Phuong ® Real Estate - Investment Join Stock Company © 2017.